09 May 2013

Họ Nắp ấm (Nepenthaceae)

Năm tôi học lớp 6 là năm mà toàn bộ sách giáo khoa được thay đổi và cải cách mới. Hồi đó tôi rất thích môn Sinh, được học về thực vật, động vật và con người. Cũng từ đó, lần đầu tiên tôi biết đến một loài cây có những chiếc ấm treo lủng lẳng, chúng dùng những chiếc ấm đó để bắt mồi, tiêu hoá thức ăn rồi hấp thụ chất dinh dưỡng, tôi như bị cuốn hút bởi loài cây này và lúc đó tôi chỉ mơ là mình được trồng, được nhìn và cầm nó trong tay. Mãi đến năm tôi vào Cao Đẳng, cuối tiết học bạn tôi rủ đi mua cây và cũng từ cái dịp đó mà tôi thấy lại cái cây hồi lớp 6 đã làm tôi thao thức. Và từ lúc đó tôi bắt đầu say mê "Cây bắt mồi".

Sau 3 năm gắn bó thì tôi đã có những loài đặc hữu của Việt Nam và tất cả chúng đều được tặng từ một người bạn thân và chính tôi sưu tập, tôi rất biết ơn và cảm thấy hạnh phúc khi có một người bạn như cô ấy.

Đó là đôi điều tôi muốn kể về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và cũng có thể nói là tôi có duyên với cây nắp ấm này.


Sau đây tôi muốn viết một bài viết để nói về loài cây này gồm 5 phần:
  1. Tổng quan.
  2. Đặc điểm sinh học, sinh lý.
  3. Cách trồng.
  4. Cách nhân giống.
  5. Các loài nắp ấm ở VN.
1. Tổng quan.

a. Phân loại.

Giới (regnum) - Plantae - Thực vật
(không phân hạng) - Angiospermae - Hạt kín
(không phân hạng) - Eudicots - Hai lá mầm
(không phân hạng) - Core eudicots - Hai lá mầm phần lõi
Bộ (ordo) - Caryophyllales - Cẩm chướng
Họ (familia) - Nepenthaceae Dumortier., 1829
Chi (genus) - Nepenthes Linné., 1753

Họ nắp ấm (Nepenthacaae) chỉ có có 1 Chi duy nhất là Nepenthes, Chi này có khoảng 90-130 loài. (1)

b. Phân bố.

Hình 1: Phân bố của nắp ấm trên thế giới

Phân bố ở vùng Nam và Đông Nam Á kéo dài tới một phần của Châu Úc, một phần Madagascar và Ấn Độ. Với sự đa dạng lớn nhất trên bán đào Sumatra và Borneo thuộc Indonesia.(2)

Ngoài ra còn có các họ cây bắt mồi khác như:
  • Họ Gọng vó (Droseraceae) họ này có 2 chi là chi Gọng vó (Drosera) và chi Bắt ruồi (Dionaea).
  • Họ Hố bẫy (Sarraseniaceae).
  • Họ Rong ly (Lentibulariaceae) có 3 chi là chi Cỏ bơ (Pinguicula) và chi Genlisea/Utricularia.
  • Bộ Chua me đất (Oxalidales) có Chi Cephalotus là chi chứa loài duy nhất Cephalotus follicularis Labill., hay còn gọi là Nắp ấm Úc, nắp ấm Albany, cây Mocassin hay nắp ấm miền tây Australia. (3)
Tuy nắp ấm Úc này giống nắp ấm thường nhưng chúng được xếp vào bộ riêng và chi riêng.

Hình 2: Cephalotus follicularis

2. Đặc điểm hình thái, sinh lý.

Hình 3: N. smilesii

a. Hình thái thân, lá.

-Các loài nắp ấm thường có bộ rễ nông và chịu ngập nước.
-Có thân ngầm, thân bò, trường hoặc leo trên cái cây khác, thân có đường kính >1 cm<, phần thân xanh của cây sẽ hoá gỗ khi chiếc lá cuối cùng của phần thân xanh héo, việc hoá gỗ này giúp cây tránh bị tổn thương cho gãy ngập úng hay sâu bệnh.
-Cây ít phân nhánh thường cây chỉ phân nhánh khi ra bông hoặc nhảy con từ gốc.
-Từ thân mọc ra các lá hình kiếm (một số loài có lá bình bầu dục,...), mép lá nguyên (4), luôn có một chồi ngủ ở nách lá.
-Lá cây có thể thay đổi để phù hợp với điều kiện ánh sáng, vd: lá cây sẽ mỏng và xanh khi trồng ở nơi ít ánh sáng và ngược lại lá sẽ dày, màu xanh nhạt, cam, đỏ, khoảng cách giữa các lá gần nhau hơn, thân mập hơn.
-Tôi thấy rằng số lượng khí khổng ở cây nắp ấm tương đối nhiều so với các loài cây khác và có thể nói rằng cây quang hợp và trao đổi chất mạnh hơn. Một ví dụ chứng minh: khi để cây ngoài nắng gắt và trong điều kiện thiếu nước thì cây héo và xìu đi nhưng khi cung cấp nước cho cây thì cây phục hồi nhanh hơn các cây khác loài.
-Mỗi lá luôn có một tua cuốn giúp cây quấn leo, đầu của mỗi tua cuốn là một chồi nhỏ và sẽ phát triển thành một chiếc ấm.

b. Hoa, trái, hạt.

Hình 4: Hoa cái (N.mirabilis)

Hình 5: Hoa cái
Hình 6: Hoa đực

-Nắp ấm có hoa đơn tính khác nguồn, hoa mọc thành chùm từ nách lá, hoa đực có mùi hôi nồng và tôi không thích ngửi mùi đó, hoa cái thì không có mùi.
-Khi hoa cái được thụ phấn sẽ tạo ra trái như hình trên của hoa cái bạn có thể thấy một trái được thụ phấn và phát triển to hơn nhưng trái khác không được thụ phấn.

Hình 7: Trái và hạt

c. Cấu tạo chiếc ấm.

Hình 8: Cấu tạo chiếc ấm
Nhìn chung một chiếc ấm được cấu tạo gồm 3 phần: nắp, môi (miệng ấm) và thân ấm (bình ấm), ngoài ra còn có một số đặc điểm khác như tua cuốn, cánh ấm, các nếp vân dọc môi ấm, tuyến tiết mật,...
  • Nắp của ấm có tác dụng che đậy và ngăn cản nước mưa rơi vào trong ấm, pha loãng dịch ấm (5), nắp của ấm không có khả năng đậy lại như các bạn tưởng.
  • Môi ấm (miệng ấm) có các nếp vân chạy dọc vào bên trong tạo một bề mặt trơn trượt khó đứng vững, chúng cũng có màu sắc sặc sỡ để thu hút côn trùng. (6)
  • Dịch tiêu hoá bên trong ấm được tạo ra khi ấm hình thành chứ không phải do nước mưa đổ vào. Chất dịch này là môi trường trong đó có rất nhiều vi sinh vật và có cả một hệ sinh thái cộng sinh bên trong, một chuỗi thức ăn được tạo ra và cuối cùng chúng đều có lợi cho cây. (7)
  • Tua cuốn giúp cây quấn và leo lên cao, cố định chiếc ấm và thân cây không bị ngả đổ, tua cuốn có thể cuốn 1 vòng hoặc 2 vòng và chúng thường cuốn tại phần gần ấm.

Hình 9: Các tuyến tiết mật dưới nắp
Hình 10: Các tuyến tiết mật trên thân ấm

Các tuyến tiết mật ngọt được phân bố chủ yếu bên dưới nắp của ấm, ngoài ra chúng cũng phân bố rải rác bên ngoài thành ấm, tua cuốn, trên lá, thân và cả hoa nữa.

Hình 11: Bên trong ấm
Hình 12: Các tuyến hấp thụ bên trong ấm

-Bên trong ấm được chia thành 2 vùng trên và dưới, bên dưới chứa các tuyến tiêu hoá và hấp thụ dinh dưỡng và thường vùng này ngập trong nước, vùng bên trên có bề mặt trơn láng không thấm nước như vùng dưới, vùng này có tác dụng là cho những con mồi khi bị rơi vào ấm sẽ không thể bám vào thành ấm mà bò lên được (8) . Đúng là sự tiến hoá của thức vật là vô hạn và đọc nhất.
-Điều thú vị nữa là các loài nắp ấm thường tạo ra 2 kiểu ấm. Những chiếc ấm gần gốc sẽ có hình dạng to, thấp và có màu đậm, khi cây cao lên hình dạng ấm cũng dần dần thay đổi thành hình dạng thon dài, nhỏ hơn và có màu sắc khác so với ấm gần gốc (9). Như hình 2 các bạn có thể thấy trên 1 chậu cây cùng một gốc nhưng có nhiều hình dạng ấm khác nhau.

d. Sự hình thành chiếc ấm.




3. Cách trồng:
-Đây là phần quan trọng nhất mà ai cũng muốn tìm hiểu khi quyết định trồng một loại cây nào đó, thì nói chung nắp ấm rất dễ trồng nếu nhà có một cái vườn đầy nắng, có nước tưới đầy đủ và nếu có thể thì hãy làm cho nó luôn luôn ẩm ướt thì việc trồng nắp ấm của bạn đã thành công rồi đó.

a. Chất trồng.
-Xa tận chân trời, gần ngay trước mắt đó là sơ dừa, vừa rẻ, tiện lợi, giữ nước tốt nhưng có một số khuyết điểm của sơ dừa các bạn cần biết là nó mau bị mục nên cần phải thay để giúp giữ nước tốt và rễ cây phát triển.
-Nếu có điều kiện hơn thì hãy mua Dớn, loại dớn dùng để trồng Lan thì nó giữ nước tốt, tơi xốp, lâu bị mục hơn sơ dừa.
-Ngoài ra ta có thể trộn thêm như: cát, đá chân châu, vỏ trấu,...hoặc trộn sơ dừa và dớn với nhau.

b. Ánh sáng.
-Ánh sáng rất quan trọng đối với thực vật nói riêng và không thể thiếu đối với nắp ấm. Như chúng ta thấy VN mình có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm nên nắp ấm VN cũng thích nghi với điều này.
-Nếu bạn có trong tay các loài nắp ấm của VN thì ánh sáng là không thể thiếu và là điều đầu tiên cần phải có khi quyết định trồng.
-Nắp ấm sẽ không hoặc ngừng ra ấm khi cây thiếu nắng, những chiếc lá sẽ xanh và mỏng ra, bản lá to ra để đón nắng, cây vươn cao, thân yếu. Và nếu đem ra nắng thì cây sẽ bị cháy lá.
-Ngoài ra ánh sáng cũng có ảnh hưởng đến việc tạo màu sắc cho ấm.

c. Nước.
-Nước tưới là điều không thể thiếu khi bạn trồng cây và không thể nào thiếu cũng như rất quan trọng với cây nắp ấm. Các bạn biết rằng đa số các loài nắp ấm của VN đều sống ở môi trường đầm lầy và đầm lầy thì sao thiếu nước được! hoặc sống ở vùng ẩm ướt như Đà Lạt (có N.smilesii) hoặc ở nơi khô hạn chỉ có gió và cát như Bình Thuận, nhưng ở nơi đó bên dưới lớp các khô có nước thấm ra từ khe suối hoặc ao hồ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng làm bạn cực khổ phải luôn tưới nước cho chúng, bạn chỉ cần tưới cho chúng 1 ngày/ lần, làm biếng nhất cũng là 2 ngày/ lần. Nhưng cũng có thể lâu hơn nếu ta trồng trong chậu to hoặc ngâm khay nước đối với một số loài như N.mirabilis.
-Nếu có lỡ quên tưới và để cây chết khô thì bạn cũng không nên quá buồn phiền và hãy tưới nước cho chúng biết đâu một ngày kia nó lại mọc trở lại, điều này mình đã thấy vì cây một thân ngầm, phình to bên dưới đất để trữ nước.
-Nói về vấn đề nước thì nó cũng có liên quan đến chất dịch tiêu hoá bên trong ấm, nếu có lỡ tay làm đổ nước trong ấm ra thì hãy đổ nước vào, nếu trong ấm không có nước thì chúng sẽ mau héo tàn đó.

d. Độ ẩm.
-Độ ẩm giúp giữ ấm lâu tàn hơn, ấm to hơn và khi độ ẩm thấp thì cây cũng không ra ấm. Ở VN thì quanh năm độ ẩm luôn cao nên cũng không phải là điều khó khăn.

e. Phân bón.
-Việc bón phân có thể kích thích cây phát triển tốt là khoẻ mạnh hơn nhưng nếu lạm dụng và bón không có chủ đích, định kỳ thì cũng không tốt cho cây. Cây sẽ phát triển xanh mượt, lá sum suê nhưng không hề thấy một cái ấm nào. Vì thế hãy cẩn thận, bón có liều lượng và thích hợp.

4. Nhân giống.
-Có thể nói việc nhân giống là điều mà các bạn khi trồng đều quan tâm, có nhiều cách nhân giống nhưng chúng ta sẽ chọn cách nào phù hợp nhất, tiện nhất mà thực hiện.

a. Gieo hạt.
-Không nói các bạn cũng biết có cây là có hạt phải không, nhưng tôi có nói là cây nắp ấm là cây đơn tính khác nguồn, nghĩa là trên một cây chỉ có hoa đực hoặc hoa cái mà thôi, cũng như chúng ta vậy, khác với những cây có hoa đơn tính nhưng cùng nguồn là bầu, bí, mướp,...
-Để có hạt bạn phải thụ phấn cho cây, mà để thụ phấn thì phải có 2 cây đực vài cái ra hoa cùng lúc mới được và điều này là hơi khó nếu bạn không có nhiều cây.
-Thụ phấn các loài nắp ấm khác nhau sẽ cho ra những cây lai có hình dạng ấm lạ mắt và điều này làm nên sự đa dạng cho loài cây này. Khi viết tên của cây lai ta sẽ viết tên cây cái x tên cây đực, nhớ là ở giữa có dấu "x" để nói lên việc lai tạo.
-Đi vào vấn đề chính của việc gieo hạt thì gieo hạt tương đối đơn giản và cũng nói là đơn giản nhất, tuy nhiên hạt rất lâu nảy mầm (2 tuần - 2 tháng và có thể lâu hơn), cây con chậm lớn và dễ chết.
*Trước tiên khi gieo hạt là bạn phải tách hạt ra từ quả (1 quả sẽ có rất nhiều hạt bên trong).
*Chuẩn bị chất trồng (sơ dừa, dớn) trong khay hay chậu, tưới nước ẩm.
gieo hạt lên trên chất trồng này, không chôn hạt, xịt nước lên trên hạt.
*Cho vào chỗ mát mẻ có nắng và chờ đợi.
-Sẽ rất lâu cây mới lớn được và trong lúc đó cây con rất dễ bị tổn thương từ môi trường như ánh sáng, nước, nhiệt độ.

* Ưu và khuyết điểm:

  • Dễ thực hiện khi đã có sẵn hạt.
  • Có nhiều biến dị mới khi trồng cây từ hạt (nếu là hạt lai thì mình sẽ không biết trước được cây con sẽ có ấm như thế nào khi cây lớn).
  • Không xác định được giới tính của cây con cho đến khi chúng ra hoa lần đầu.
  • Cây con gieo từ hạt sẽ có bộ rễ tốt, hình dáng đẹp.
  • Thời gian để hạt nảy mầm và lớn thành một cây hoàn chỉnh rất lâu.

b. Giâm cành.

Hình 13: Phương pháp giâm cành
Chọn cành giâm là cành đang phát triển khoẻ mạnh, không sâu bệnh, có lá bình thường và cành giâm còn màu xanh chưa hoá gỗ.
Chúng ta cắt ra cành giâm ra thành nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn có 1-5 lá tuỳ vào vị trí vết cắt gần ngọn hoặc gần gốc, nếu cành giâm có đường kính thân to, khoảng các giữa các lá gần thì ta cắt đoạn có 1-2 lá, nếu thân ốm, khoảng cách lá xa thì 3-4 lá, nếu cắt gần ngọn thì thì tốt nhất là 2-3 lá vì đây là phần còn non yếu, ngược lại nếu cắt ở gần gốc là phần già thì nên cắt đoạn dài hơn và cứ như thế.
Có thể cắt bớt 1/2 lá để tránh việc thoát hơi nước làm héo cành giâm.
Cuối cùng ta lấy những cành giâm cắm vào chất trồng ẩm ướt, nếu môi trường giâm cành không thuận lợi như thiếu ẩm thì hãy lấy túi trùm lại như trong hình. Để nơi thoáng mát và ẩm.

Một lưu ý là khi các bạn thấy cành giâm của mình bắt đầu lú chồi hoặc đã ra chồi, ra lá tươi tốt nhưng bên dưới vẫn chưa ra rễ đâu, chứ kiên nhẫn, hãy cố gắn giữ cho cành giâm tươi càng lâu càng tốt để chúng có thể ra rễ mới.

Hình 14: Chồi ngủ

Chồi mới sẽ mọc ra từ chồi ngủ ngay nách lá.

Hình 15: Cành giâm đã ra rễ

-Sau khoảng 2-3 tháng thì cành giâm đã ra rễ, khi đó ta sẽ từ từ mở túi trùm ra để cây quen dần tránh bị héo lá do độ ẩm giãm, khi cây đã thích nghi tốt thì chuyển cây ra chậu mới và để nơi có ánh sáng mạnh dần.
-Tỷ lệ thành công cao hay thấp là do vết cắt và điều kiện môi trường khi giâm cây.

* Ưu và khuyết điểm:

  • Dễ làm, thời gian nhân giống nhanh và tạo được nhiều cây mới trong một lúc.
  • Tận dụng cành nhánh lúc cắt tỉa và việc nhân giống.
  • Cây con có tốc độ phát triển nhanh hơn cây gieo hạt.
  • Cây con giống hệt bố mẹ về hình dạng, màu sắc ấm, (tuy nhiên những cây này sẽ có độ tuổi bằng cây mẹ, tức nếu cây mẹ bạn trồng được 2 năm thì chúng sẽ có tuổi là 2 năm chứ không phải là cây mới hoàn toàn như kiểu gieo hạt và điều này dẫn đến là cây con sẽ ra ấm có hình dạng như trên cây mẹ).
  • Cây con có bộ rễ yếu, dễ ngã đổ, hình dáng không đẹp bằng những cây con được gieo từ hạt.
  • Giới tính của cây con sẽ y như cây bố và mẹ mà mình cắt giâm.

c. Chiết cành.

Hình 16: Các bước chiết cành

-Chọn vị trí thường là phần thân gần ngọn, nhánh, vết rạch ở giữa 2 lá.
-Dùng dao bén cắt một hình chữ nhật và lột phần vỏ ra, cách chiết thông thường thì người ta thường khắt và lột một vòng vỏ ra chỉ chừa lại lõi thân nhưng theo mình chỉ lột 1 nửa là được.
-Bạn có thể chừa lại một phần vỏ dính vào thân như trong hình hoặc cắt rời, vết cắt phải đẹp, liền mạch không làm hư hại phần lõi.
-Dùng sơ dừa hoặc dớn và bao nilong bọc phần vừa cắt lại, nếu được hãy dùng bao nilong trong suốt, nhớ là phải tưới cho sơ dừa hoặc dớn ẩm ướt trước khi bó.
-Khi đã xong hãy đâm mấy lỗ lên bao nilong giúp thông thoáng và không bí nước. Sau một thời gian vết cắt sẽ ra rễ, như tôi nói hãy dùng bao nilong trong suốt để dễ theo dõi tiến triển ra rễ.
-Khi cành chiết ra rễ nhiều thì mình cắt ra và trồng vào chậu.

* Ưu và khuyết điểm cũng giống như giâm cành nhưng có điểm khác như:

  • Cây con có tỷ lệ sống cao vì cành con đã ra rễ.
  • Trên một cây không thể làm nhiều cành chiết nên việc nhân giống chậm.
Ngoài ra còn kiểu nhân giống khác như là tách cây con từ gốc cây mẹ, nuôi cấy mô.

5. Các loài nắp ấm ở Việt Nam.

a. N. mirabilis. (10)
-Phân bố từ độ cáo 0-1500m.
-Được tìm thấy ở miền Trung từ Bình Định, Nha Trang,... trở vào Nam cho đến Hà Tiên, Phú Quốc,...
-Có nhiều màu sắc biến thiên từ xanh đến đỏ.

Hình 17: N. mirabilis
Hình 18: N. mirabilis


b. N. smilesii. (11)
-Phân bố ở độ cao từ 900-2000m.
-Được tìm thấy ở các vùng núi Đak Lak, Lâm Đồng, Bảo Lộc,...
-Có nhiều màu từ xanh đến đỏ.

Hình 19: N. smilesii
Hình 20: N. smilesii


c. N. kampotiana. (12)
-Phân bố ở độ cáo từ 0-500m.
-Được tìm thấy ở Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Châu, Phan Thiết,...

Hình 21: N. kampotiana
Hình 22: N. kampotiana


d. N. thorelii. (13)
-Phân bố ở độ cao từ 0-500m.
-Được tìm thấy ở Bình Phước, Bình Dương, Biên Hoà, Tây Ninh,...

Hình 23: N. thorelii
Hình 24: N. thorelii


6. Nguồn tham khảo:

a. Nội dung:

(1), (2), (4), (5), (6), (8), (9) Họ Nắp ấm (wikipedia VN)
(3) Nắp ấm (Úc)
(7) Hệ vi sinh vật trong cây nắp ấm
(10), (11), (12) Phân loại nắp ấm VN

b. Hình ảnh:

Hình 1: http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:Nepenthes_distribution.svg
Hình 2: http://www.flickriver.com/photos/tags/cephalotus/interesting/
Hình 4, 5: http://odonata-malaysia.blogspot.com/2010/06/pitcher-plant-nepenthes-mirabilis.html
Hình 6: http://www.cascadecarnivores.com/gallery/nepenthes/ventricosamale.htm
Hình 7: http://www.hoclamgiau.vn/home/MyStoryDetail.aspx?memberid=294885&id=62742
Hình 13, 14, 15: http://www.carnivorousplants.org/howto/Propagation/NepenthesPropCuttings.php
Hình 23, 24: http://www.cpukforum.com/forum/index.php?showtopic=43119&pid=304645&st=0&#entry304645

7 comments:

  1. Bài viết hay quá. súc tích lắm ^^

    ReplyDelete
  2. nhìn đẹp quá bạn à, tiếc là ở xa nên không hỏi được bạn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Có gì cứ pm facebook: maitruongnam@facebook.com để trao đổi thêm

      Delete
  3. bài viết của e hay thật rất bổ ích và đầy đủ cho dân mới chơi như anh :)

    ReplyDelete

Viết chia sẻ của bạn vào đây...