25 May 2016

Kokedama (Moss ball)

Tôi rất thích và ấn tượng với cách trồng cây của người Nhật này từ lâu nhưng việc tìm kiếm nguyên liệu phù hợp đã làm chậm chân tôi lấn sân sang cái thể loại đặc biệt này. Hôm nay, cái cây đầu tiên được tạo ra với một cách trồng mới mà người Nhật Bản gọi là Kokedama nghĩ là "quả bóng rêu", bạn cũng có thể hình dung được như thế nào rồi chứ?



Sau đây tôi xin hướng dẫn việc làm một quả bóng rêu Nhật Bản để trồng cây:

Nguyên vật liệu cần thiết:


  1. Thành phần chính để trồng cây là đất, đất trồng cây và đặc biệt là đất để làm quả bóng rêu phải có độ kết dính cao gồm thành phần nhiều đất sét, đất có thể sử dụng là đất Akadama để trồng bonsai nhưng do giá thành cao và khó kiếm nên tôi sử dụng đất thường trộn với đất sét.
  2. Cây: lựa chọn một loại cây phù hợp nhất cho việc trồng cây kiểu này (tôi khuyên bạn nên chọn một loài cây nào đó chậm lớn như những cây bonsai hay cây ưa bóng mát, những cây có bộ rễ ít và nhu cầu nước tưới không cao).
  3. Khay trộn đất.
  4. Bao tay (nếu cần vì rất dơ).
  5. Rêu, dớn hoặc bất kỳ loại rêu nào bạn có.
  6. Dây, chỉ để buộc, kéo.
  7. Một cái Dĩa sứ.
  8. Máy chụp hình (cái này dành cho tôi).




Thực hiện:

Cho đất vào khay, thêm nước và trộn đều (bạn có thể cho thêm phân bón).

Đất sau khi trộn đều bạn bóp và nắn thật chặt chúng lại thành một quả cầu tròn rồi tạo một cái lỗ nhét cây của bạn vào. Nếu cây của bạn có nhiều rễ bạn hãy đè dẹp quả bóng đất của bạn ra đặt cây lên đó rồi nắn đất bọc quanh cây.

Cuối cùng bạn có được một cục đất tròn chứa cây bên trong.


Việc khó nhất của quá trình này là việc bó rêu xung quanh quả cầu đất. Bạn lấy rêu dớn bọc xung quanh, lấy dây buộc chặt để rêu không bị rơi ra sau này.


Cuối cùng bạn được một quả bóng rêu Kokedama độc lạ. Bạn có thể lấy dây treo lơ lửng chúng lên hoặc đặt lên một cái dĩa như trong hình. Sau này tôi sẽ viết một bài hướng dẫn khác cũng nói về cách trồng này với những hình ảnh hướng dẫn cụ thể hơn.




22 May 2016

Dorstenia foetida

Thật sự rất thích những cái cây có thể chịu hạn tốt nhờ thân cây mọng nước nhưng ở đây tôi không nói đến cây xương rồng hay những loài cây mọng nước khác mà nói đến một loài cây tên là Dorstenia foetida. Tôi cũng không nhớ nỗi tên khoa học của nó nhưng việc nhớ và biết là điều cần thiết, ít ra cũng định danh được cây mình trồng tên gì để còn tìm tài liệu hay tra cứu. Mấy người bạn của tôi gọi cây này là "Cây hoa mặt trời" hay "Cây mặt trời", tại sao lại có tên đó???

Tôi cũng mới trồng nó được vài tháng từ gói hạt giống được tặng. Một khi trồng hoặc thấy thú vị một loài cây nào đó điều đầu tiên là tôi tìm kiếm tên của nó, tên tiếng việt và tên tiếng anh, rồi tìm hiểu cách trồng cũng như đặc điểm sinh học,...những thứ đó giúp tôi hạn chế việc làm chết cây và bổ sung thêm kiến thức về một loài cây mới.


Cái tên "Cây mặt trời" xuất phát từ những cái bông của nó, cây này tôi mới trồng mà thấy nó rất nhanh ra bông dù cây còn nhỏ hay đã lớn, cây ra bông thường xuyên và những cái bông của nó rất giống hình dáng của mặt trời nên nó mới có tên là Cây mặt trời. Bông của nó không như những bông của những loài khác mà tôi thấy, bông của Cây mặt trời gồm một cái vòi mọc ra từ thân, đầu cái vòi là một bộ phận xốp, dẹp tròn như hình mặt trời bên trong đó chứa rất nhiều hạt. Nói khó nghe vậy nên bạn cứ liên tưởng đến cái "búp sen" thì hoa của nó giống vậy. Khi bông của nó héo và giải phóng vô số hạt xuồng đất thì lúc đó bạn biết điều gì sẽ xảy ra rồi...



21 May 2016

Macro Xương rồng P.1


Tôi rất thích chụp hình cận cảnh những cái cây mình trồng, ngoài việc có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của cây khi zoom cực đại lên mà từ kiểu chụp này tôi còn có thể giới thiệu về thế giới thực vật muôn màu, muôn vẻ ở một góc nhìn khác mà chỉ khi chụp cận cảnh mới có thể nhìn thấy và cảm nhận được.

20 May 2016

Bình yên

Mỗi dịp cuối tuần là ngày mọi người được nghĩ ngơi, được họp mặt bạn bè và rong ruổi đi chơi đâu đó. Đối với tôi được chăm sóc và được ngắm nhìn những cái cây tự mình trồng, tự mình đi tìm kiếm lại là một niềm vui cuối tuần. Giữa phố phường đông đúc nơi mà để có một khu vườn nhỏ nhỏ để thoải niềm đam mê trồng cây cũng là một khó khăn nhưng không vì thế mà không thể. Bạn có thể trồng trọt bất kì chỗ nào miễn là có đầy đủ ánh sáng, nước tưới và bạn còn phải có cái "lòng yêu thương" dành thời gian chăm sóc chúng mỗi ngày nữa. Tôi có một người bạn tên V cũng rất thích trồng cây và rất muốn có một khu vườn như tôi vậy, cô ấy rất hay ghé nhà tôi để ngắm nhìn và hòa mình vào khu vườn với đủ thứ loại cây mà cô ấy thích. Lần nào về cô ấy cũng được mang lỉnh khỉnh cây mang về cũng là một niềm vui với cô ấy và cho tôi khi có một người bạn yêu thiên nhiên đến vậy....
Một khoảng thời gian sau những cái cây ấy đều ra đi hết, đó là do cô ấy không có thời gian để chăm sóc chúng. Vì thế tôi muốn nhắc các bạn là hãy có cái "lòng yêu thương" và "dành thời gian" chăm sóc chúng mỗi ngày hoặc nhớ đến chúng dù bận đến đâu cũng dành ít thời gian để tưới cây nếu muốn có một khu vườn của riêng mình...

Hoa cây Bướm đêm (Oxalis triangularis)

Hoa cây Bướm đêm (Oxalis triangularis)

08 May 2016

Giao mùa


Mấy tháng nay nắng như cháy da mà 12g trưa vẫn cố leo lên vườn phơi nắng ngắm bông xương rồng nở. Lúc trời nắng nóng cháy da thì mong trời mưa nhưng khi mưa rồi lại cầu cho trời nắng trở lại, cái khoảng giao mùa nắng nắng mưa mưa là lúc những cây xương rồng trổ hoa kết trái.