22 September 2013

Mật ngọt đuổi ruồi

Chắc các bạn đã nghe câu " Mật ngọt chết ruồi" rồi đúng không?. Câu này có ý nghĩa nói là: trong những lời đường mật, hấp dẫn luôn ẩn chứa những nguy hiểm chết người, những cám dỗ rình rập mà khi đã sa vào thì không thể rút chân ra được, đó là ý nghĩa của câu nói này.
Nhưng hôm nay các bạn sẽ cùng tôi đùa một chút với một câu nói khác cũng liên quan đến câu trên là "Mật ngọt đuổi ruồi", nghe có vẻ buồn cười rằng mật ngọt sao có thể đuổi ruồi được nhưng thực tế là vậy, và có khi nó làm cho ruồi bị đau bụng nữa chứ. Chi tiết xin kiểm tra hình ảnh bên dưới :).
N. kampotiana x N. mirabilis

N. kampotiana x N. mirabilis

N. kampotiana x N. mirabilis
Nhìn thế này mà con ruồi nào có thể bay vô được, mật ngọt đã bị nổi mốc...

21 September 2013

Cẩm Cù

H. carnosa

H. carnosa

H. carnosa

H. pubicaylx

H. pubicaylx

H. pubicaylx

Sau lần đầu tiên được thấy hoa Cẩm Cù nở thì hôm nay lại được nhìn cây H. Carnosa nở và cảm nhận mùi hương dịu nhẹ của nó phản phất trong mưa. Lần này có thêm hoa của cây H. pubicaylx nở, hoa nó có màu đỏ bầm, cánh hoa cũng có long nhung mềm mại và mùi hương đặc trưng. Thế là tôi có thể ngắm chúng được 1 tuần nữa trước khi chúng tàn hẵn...

Pinguicula và D. adelae từ một người bạn.



Hai cây Pinguicula này là từ một người bạn quen. Thật vui biết bao khi được một người bạn tặng một món quà mà món quà đó rất hợp ý mình, cảm giác đó thì nếu ai đã từng thì mới biết được :). Có thể hôm bữa tôi tặng cho anh ấy một chậu cây nên đây là quà tặng lại không chừng :), "có qua có lại mới toại lòng nhau" mà :). Chúng lớn thì nhìn càng hấp dẫn hơn, nghe nói đường kính có thể đạt tới 10cm lận, mong ngày đó sớm đến...
D. adelae
 Đây là cây D. adelae, hồi đó rất thích cây này mà không có dịp để tậu em nó về, nhớ hồi đó xin nhỏ bạn 1 cái lá về giâm rồi chẳng thấy lên. Tôi rất thích những cái long tiết của nó phân bố trên bề mặt lá nhìn như cây Ping vậy, nó cũng sẽ rất đẹp khi nó lớn...

D. intermedia
Còn đây là hạt cây D. intermedia mới nãy mầm. Ôi trời, gieo cả đóng mà chả thấy nãy mầm, mà nảy mầm thì chết do nấm, mưa,... cuối cùng rút kinh nghiệm gieo vào nhiều chậu và không ngâm nước để tráng rêu, nấm thế là ẽm đã nãy mầm...

Make up cho T. bulbosa

T. bulbosa
Cây Bulbosa của tôi bữa giờ được cột kẽm treo tòn ten và để vào một góc. Hôm nay sẵn được nghĩ và trời mưa lâm râm nên làm cho ẽm cái nhà mới, mục đính chính là mong sau này ẽm sẽ bám rễ vào cái chậu này rồi sinh sôi, phát triển. Sau khi xong nhìn có vẻ tự nhiên hơn là cột kẽm treo đúng không :)

02 September 2013

Kinh nghiệm chăm một số loại Tillandsia.


T. schiedeana

T. schiedeana
Đôi điều về Cây Không khí:
1. Cây Không khí thuộc họ Dứa (Bromeliaceae), chi Tillandsia, với hơn 650 loài khác nhau. Chúng thường được gọi với cái tên là Air plant, Cây Không khí hay Tillandsia. Cây Không khí sinh sống tự nhiên trong các môi trường đa dạng từ rừng mưa nhiệt đới ở Nam mỹ, Trung mỹ, tới những vùng núi cao Andes và cả vùng đầm lầy của xứ Tây Ban Nha (có loài T. usneoides (Tóc tiên hay Spanish moss)
2. Chúng là loài thực vật biểu sinh sống bám trên đá, cành cây, mái nhà hay dây điện...Có nhiều loài khác nhau tuỳ theo điều kiện môi trường mà chúng sinh sống, những cây có lá màu xanh thường thích sống nơi mát mẻ, cần ít ánh sáng, dưới tán cây, tán rừng...Những cây có lá màu xám hay trắng thì sống những nơi có khí hậu khô, nhiều nắng, ít mưa, độ ẩm thấp. Hầu hết các loại cây Không khí đều thích ánh sáng mặt trời trực tiếp (như loài T. xerographyca).
3. Cây Không khí hấp thụ nước, chất dinh dưỡng và quang hợp tất cả đều thông qua lá của cây, rễ của chúng chỉ có tác dụng bám vào vật chủ như một cái neo và không hề làm cây chủ tổn thương (thường là cành cây, gỗ, đá, dây điện,...). Tuy nhiên, có một số loài sống trong đất như loài T. cyanea
4. Một số cây Không khí lá màu xám hay trắng là do trên bề mặt lá chứa nhiều "Trichome" tạm gọi là các vảy có hình dạng 3 cạnh, các vảy trắng này rất nhạy cảm với độ ẩm trong không khí vì thế chúng giúp cây có thể hấp thụ nước và truyền dẫn nước đến các phần khác của cây khi chỉ có một giọt nước dính vào lá, giúp toàn bộ cây được tiếp xúc với nước. Những cây có nhiều lớp vảy thường sinh sống ở những nơi khô ráo, ít mưa và độ ẩm thấp (như loài T. tectorum).
5. Cây Không khí là thực vật quang hợp theo chu trình CAM như ở các loài Xương rồng. Vì thế chúng có thể chịu khô hạn lâu dài nhờ vào việc đóng lỗ Khí khổng vào ban ngày và chuyển hóa dinh dưỡng, thải O2 vào ban đêm.
6. Cây Không khí chỉ ra hoa một lần trong suốt quảng đời sinh trưởng của cây, cây có hoa lưỡng tính và có thể tạo ra hạt nếu được thụ phấn chéo hoặc tự thụ, và hạt sẽ được ươm hoặc gieo để phát triển thành cây con mới (4-5 năm từ hạt lớn đến trưởng thành). Đọc thêm: cách gieo hạt. Khi cây ra hoa thì cây cũng sẽ chết đi, nhưng trong thời gian ấy, cây mẹ sẽ nhảy ra rất nhiều cây con bên dưới gốc, và sẽ chuyển dinh dưỡng nuôi chúng từ từ cho đến khi trưởng thành (đây là cách nhân giống nhanh nhất so với gieo hạt). Khi cây con đã lớn bằng 2/3 cây mẹ thì lúc đó bạn có thể tách cây con ra và được nhiều cây mới, còn không thì chúng sẽ phát triển thành một chùm theo thời gian.
7. Cây Không khí có tốc độ phát triển rất rất chậm, sau một thời gian dài chơi KK thì tôi thấy loài Ionantha là lớn nhanh nhất, một số loài khác đều phát triển rất chậm, cần khoảng thời gian từ 1-2 năm để cây trưởng thành, khi ra hoa một số loài cần vài tháng đến nữa năm mới phát triển hết cuống hoa (như Xerographyca và Streptophylla) và thêm ngần ấy thời gian để tạo hạt (nếu bạn có ý muốn lai tạo hãy rất kiên nhẫn).

Cách trồng cây Không khí:
Trồng Tillandsia (cây không khí) không khó và có thể nói là rất dễ cho người bận rộn và nhẹ nhàng cho người trồng.
  • Ánh sáng: Till thì cần nắng để phát triển nhưng không nắng gắt và và cũng không râm quá, nắng tán xạ là ok nhất (có nhiều loại ưa nắng 100%), nếu trồng ngoài trời thì nên che 1 lớp lưới, nắng sáng sớm và chiều là tốt nhất, trồng trong nhà thì treo ở cửa sổ, cửa hướng Đông, Nam hoặc đặt dưới ánh sáng đèn phù hợp từ 4-6 tiếng/ngày.
  • Nước tưới: Till có thể chịu hạn lâu ngày vẫn không sao nhưng rất dễ chết nếu tưới nước quá nhiều, tưới Tillandsia thì tưới bằng nước máy, nước mưa, nước giếng đều được, ngày tưới hoặc phun sương 2 lần hoặc 1 lần,  sáng và chiều, tránh tưới vào buổi tối. Sau mỗi lần tưới cần để cây khô hết nước rồi mới được tưới tiếp, nên treo cây nơi có gió lưu thông để nước bốc hơi nhanh sau mỗi lần tưới. Ngoài ra nếu bạn nào không có thời gian tưới hằng ngày thì có thể treo chúng trên hồ nước hoặc đặt trong một cái khay đá sỏi có nước bên dưới. Còn không thì 1 tuần ta ngâm chúng vào chậu nước với thời gian khoảng 15-30p rồi lấy ra, giũ ráo nước treo lên.
  • Độ ẩm: nếu bạn trồng nơi có độ ẩm cao thì khỏi phải tưới nước ví dụ trồng trên hồ cá, cây sẽ lớn nhanh nếu môi trường có ẩm cao.
  • Phân bón: phun phân bón lá giúp cây mau lớn, khỏe mạnh, nên phun cho chúng 2 lần/tháng, nên pha loãng liều lượng khuyên dùng rồi phun, cũng không nên phun nhiều quá. Tôi sử dụng phân bón lá hiệu Growmore 20-20-20 hoặc 30-10-10, kết hợp với Growmore B1 và Atonik (nếu có thể). Và cần duy trì quá trình phun phân đều đặn đúng lịch để nhận kết quả tốt nhất.
►Lưu ý: Cây sẽ xanh mượt, lá mềm, yếu, mỏng manh là dấu hiệu của thiếu nắng, nên đem cây từ từ, nơi chỗ mát ra chỗ mới có nắng để cây phục hồi, tránh đem liền ra nắng sẽ làm cây bị cháy lá. Việc di dời cây từ chỗ cũ tới 1 chỗ mới với điều kiện môi trường khác nhau sẽ làm cây bị "sốc" và sẽ khiến cây ngừng hoặc chậm phát triển lúc ban đầu.
•Cây thiếu nước thường lá sẽ trông thiếu sức sống, quăn uốn lại ở một số loại, thân cây mềm, lá mềm, cảm thấy héo vì thế nên tưới nước khi cây bị khô hoặc thiếu nước lâu ngày. Một số loại lá sẽ quăn uốn lại rất đẹp nếu cây thiếu nước nhưng nếu muốn cây lớn nhanh và khỏe mạnh thì hãy cung cấp nước vừa phải cho cây phát triển và tránh bị úng khi thừa nước.
•Bón phân vừa phải và đúng liều lượng vì cây chỉ hấp thu 1 lượng phân bón để phát triển, việc phun bón dư thừa cũng không cải thiện thêm.





T. funckiana
T. ionantha lá xanh mượt do thiếu nắng
T.streptophyla thừa nước lá dựng thẳng
T.streptophyla thừa nước lá dựng thẳng
T.streptophyla thiếu nước lá rũ, xoắn lại
T.streptophyla nhiều nắng và thiếu nước nên lá ửng đỏ, rũ và xoắn lại
T.streptophyla nhiều nắng và thiếu nước nên lá rũ, xoắn lại

►Đôi khi việc để cây khô, thiếu nước, thừa nắng sẽ làm cây trông đẹp hơn, màu sắc lá cây sáng hơn, cây khỏe hơn. Cây sẽ không thể chết trong một sớm một chiều chỉ là cây đang thích nghi với môi trường đang thiếu nước và chờ nước tưới.
*Một số trường hợp:
Đủ -> thừa nắng + thừa nước: cây phát triển tốt, khỏe, lớn nhanh, lá cứng cáp, mọng nước nhưng lá dễ gãy, dễ úng thúi (khắt phục là để nơi thông thoáng), một số cây có thể bị cháy lá chết do nhiều nắng.
Đủ -> thừa nắng + thiếu nước: lá xoăn hay rũ xuống, lá mềm, yếu, màu sắc sáng hơn, chậm lớn ->lâu ngày dần dần cây sẽ chết khô khó phục hồi nếu không tưới để bù lại.
Thiếu nắng + thiếu nước: lá màu xanh đậm hay xanh vàng ở ngọn, lá mềm yếu, trắng nhiều lông, mỏng manh. Lâu ngày sẽ chết, khó phục hồi.
Thiếu nắng + thừa nước: cây sẽ nhanh chóng bị thúi chết, khó phục hồi.

►Cây Không khí khó bị chết khô nhưng rất dễ bị chết do úng nên phải tưới nước hạn chế. Ánh nắng và độ ẩm cũng quan trọng để cây sinh sống lâu dài và phát triển.
►Tóm lại cách trồng Tillandsia đơn giản yêu cầu như sau:
• Trồng nơi có ánh nắng mặt trời (ko phải ánh sáng đèn điện bt)
• Môi trường thông thoáng (cây phải khô ráo sau 4 tiếng tưới)
• Tưới nước ít hoặc nhiều hơn khi môi trường trồng khô, nóng, nhiều gió

Vài ấm to

Cây Kampotiana đực này có ấm to nhất vườn, nhìn cứ như khủng bố vậy, ai nói là hàng Việt thua kém nước ngoài đâu :). Hôm trước có cái ấm to gấp 2 lần ấm này mà quên share nay post bù, cây này ra ấm trung rồi, chuẩn bị ra ấm cao, ấm to hồi trước chắc là ấm thấp nên mới bự...




01 September 2013

Tự tạo niềm vui ngày cuối tháng 8

Sau vài tuần bận bịu và kềm chế ham muốn thì hôm nay được dịp nên 1 công đôi chuyện luôn. Khi rước ẽm về là có ngay kế hoạch và ghép lên khúc cây liền bụi Funckiana, bây giờ trông ẽm đẹp dễ thương quá, chỉ chờ cho ẽm ra rễ và bám vào khúc cây là mọi chuyện sẽ thành công.

Không biết tên
Kết nhất cái chùm Ionantha này, đúng là hoành tráng thật, nhìn cả cục này mà ngây ngất rất muốn tách ra mà thôi để nguyên 1 cục vậy cho đẹp. Và tôi cũng lấy dây câu treo tòn ten nó lên trông rất dễ cưng :)
T. ionantha
 Funckiana sau khi ghép lên khúc cây...
T. funckiana

T. funckiana

T. funckiana
 Cây Bulbosa hôm nay đã có kiến vào làm tổ, chúng chui vào cái bẹ lá ôm lấy thân và làm tổ bên trong ấy, nhìn cây Bulbosa có cái thân to như củ hành vậy chứ nó rỗng ruột đó, những cái bẹn lá ôm lấy thân nhưng không ôm hết mà phình ra tạo một khoảng trống và từ đó kiến sẽ làm tổ trong ấy, những cái lá dài dài uốn lượn như những đường cao tốc dẫn vào nhà, thật thú vị đúng không...
T. bulbosa