16 May 2020

Chuyên mục: "Đồ cũ người xưa" - Tập 7: Chiếc điện thoại bàn

Cái thời mà hễ nghe tiếng chuông điện thoại reo "reng reng...reng reng" là hối hả, hớn hở nhất điện thoại lên và ấp úng nói "Alo" đối với tôi là biết bao nhiêu kỉ niệm. Khi mà chưa có điện thoại di động phổ biến như ngày nay thì chắc rằng chiếc điện thoại bàn (hay điện thoại cố định) là món đồ mà hầu hết nhà nào cũng có khi ấy và nó là sự lựa chọn duy nhất để liên lạc với nhau.
Lúc đó, mỗi cuộc gọi thật sự rất quý và ý nghĩa, phải có chuyện quan trọng hay cần thiết người ta mới gọi điện cho nhau, một phần vì giá cước tầm vài ngàn một phút, một phần thì đâu phải nhà nào cũng có điện thoại mà phải gọi nhờ hay gọi trả phí nên có thể nói chiếc điện thoại bàn là vật quan trọng  trong nhà. Nhà tôi đã từng lắp một cái như thế (gọi là điện thoại hữu tuyến có dây cho đúng nghĩa nếu tôi không lầm), mỗi lần nhất máy là có cái đèn đỏ sáng lên (thiết bị chống sét) áp điện thoại vào tai nghe "o...o...o" rồi "tít...tít...tít" khi bấm số, rồi nghe đầu dây bên khi reo chuông, cái tiếng nói phát ra ôi sao thật là kì diệu mà thân thương đến như vậy. Đó chính là những cảm xúc mà bạn được trải nghiệm lần đầu khi gọi điện thoại mà tôi sẽ không thể nào quên. Đó là hồi những năm 2001-2002, cái số điện thoại mà nó đã ăn sâu vào trí nhớ của tôi khi được má dặn là "nếu có gì thì phải gọi về nhà", cái số huyền thoại ấy chỉ có 7 số 7430*** sau nhiều giai đoạn đổi số của nhà nước thì thêm vào đầu số 3 thành 37430*** rồi phải bấm thêm (08) khi gọi bằng di động và gần đây là đổi thành (028) rất phức tạp.
Sự phổ biến của điện thoại di dộng ngày nay là nguyên nhân chính mà nhà tôi quyết định gỡ bỏ số điện thoại này vì không còn nhiều nhu cầu sử dụng như hồi trước nữa và sự ra đi là tất yếu, để lại biết bao kỉ niệm gắn liền, vui buồn cũng từ những cuộc gọi mà tôi sẽ không thể nào quên.
Mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng, mỗi lần gọi số điện thoại bàn là tôi lại nhớ về gia đình, vì chỉ có người trong nhà nghe máy thôi và tôi biết rằng khi có người nghe máy là mọi thứ vẫn ổn. Không như số điện thoại di động, bạn có thể gọi không được, tắt máy, không bắt máy, sóng yếu nhưng mỗi khi gọi số điện thoại bàn là chắc chắn sẽ có người nghe bạn...hoặc không có ai cả.


Nhà tôi đã đổi 3 cái điện thoại bàn sau gần 20 năm sử dụng và cái này là cái thứ 3

08 May 2020

Trồng Hương Thảo để ngửi - "cách refresh tinh thần"

Chắc ai có sở thích trồng cây như tôi thì chắc là sẽ biết đến một loài cây mang tên là Hương Thảo (Rosemary). Sao lại là Hương thảo?, chắc bạn đã từng mê đắm mùi hương sản khoái của loài hoa Lavender, đã từng mua nhang muỗi mùi Lavender, chai xịt, dầu tắm,...và đã từng đắm chìm trên những cánh đồng Lavender bát ngát trong các bức tranh, bức ảnh trên mạng. Đúng như thế đấy và tôi đã từng mua Lavender khô để ngửi, mua chậu cây Lavender tươi về trồng và giá cũng khá là cao so với những cây có tinh dầu khác. Đáng tiếc thay Lavender không phù hợp với khí hậu nóng ẩm mưa nhiều ở miền Nam VN nên sau nhiều nỗ lực thì tôi đành buông suôi và không trồng nữa.
Cơ duyên là vào một lần đi làm thấy ở công ty có một chậu cây gì đó mà khi tôi đi ngang qua nó toả ra một mùi hương, một mùi hương như mùi của Lavender mà nó không giống cây Lavender tôi biết, và đó chính là chậu cây Hương Thảo.
Hương thảo có tên khoa học là Rosmarinus officinalis, tên tiếng Anh hay gọi là Rosemary. Cây được trồng nhiều ở vùng Địa Trung Hải, các nước Nam Âu, Tây Á, Bắc Phi với khí hậu nhiều nắng, khô ráo, ấm áp quanh năm và không quá nóng. Ở VN cây được trồng để trang trí, làm gia vị, đuổi muỗi nhờ tinh dầu của nó, cây có cùng họ với Lavender nên mùi hương cũng tương đối giống nhau.



07 May 2020

Bút thuỷ tinh - Glass dip pen

Từ một dịp tình cờ lướt Youtube xem các nghệ nhân làm đồ thuỷ tinh (những hòn bi thuỷ tinh sắc xảo mà hồi nhỏ tôi rất thích hay những hình động vật bằng thuỷ tinh đẹp mắt nữa), tôi rất mê đồ thuỷ tinh và những món đồ long lanh, sắc màu đẹp đẽ như thế. Chính vì thế mà cơ duyên mang tôi tới bút thuỷ tinh từ đó. Lúc đầu tôi không nghĩ nó là một cây bút, nó giống như một cái đũa phép lộng lẫy hoặc món đồ trang trí cầu kì gì ấy hơn là bút viết và khi tìm hiểu thêm thì thật sự nó đã lấy lòng tôi ngay từ vẻ đẹp đến chức năng của nó. "Tinh tế", "Sắc xảo", "Cổ điển".
Nguồn gốc và xuất xứ:
-Tên thường gọi của bút thuỷ tinh theo tiếng Anh là Glass pen, Glass dip pen hay Venetian glass pen. Và cũng chính từ địa danh Venice của Ý trong tên "Venetian glass pen" đã khai sinh ra cây bút này. Và bạn cũng biết nước Ý từ lâu đã là nơi làm ra những món đồ thủ công mỹ nghệ và thuỷ tinh nổi tiếng rất có giá trị trên thế giới ngày nay. Từ những năm thế kỷ 18 thì nghề thổi thuỷ tinh rất được thịnh hành tại nơi đây, những món đồ thuỷ tinh, thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời và trong đó có những cây bút thuỷ tinh đầu tiên được sản xuất ra. Bút thuỷ tinh ra đời có ưu điểm hơn nhằm thay thế bút làm từ lông và gỗ thông dụng khi ấy. Mãi về sau này thì sự ra đời của bút bi, bút máy bơm mực và cả bút chấm mực với ngòi bằng kim loại bền, cứng cáp, tiện lợi hơn đã phần nào làm bút thuỷ tinh dễ vỡ dần bị lãng quên. Ngày nay, bút thuỷ tinh chỉ còn được sử dụng như một món đồ trang trí đúng nghĩa, hoặc được dùng để vẽ màu, phác hoạ hay viết Calligraphy. Còn tôi tôi dùng nó để viết thư tay cho nó có "thần thái".



02 May 2020

VIẾT THƯ TAY theo phong cách xưa

Vào những ngày cuối cùng của đợt nghĩ kéo dài do dịch bệnh, tôi lại mang ra những món đồ xưa cũ ngày xưa và trong đó có những bức thư được hồi âm mà tôi gửi đến những người bạn ở phương xa, được tôi cất giữ như một ngón đồ lưu niệm. Và hôm nay, tôi cũng sẽ viết một vài dòng gì đó để gửi đến những người bạn đã lâu rồi tôi không gửi thư, chắc sẽ thú vị lắm đây.

Ở cái thời đại mà chỉ cần tíc tắc một cái là bạn đã có thể trò chuyện hoặc nhắn tin cho một người nào đó dù họ có ở đâu, xa xôi đến mấy hay là bất kể lúc nào bạn cần...thì những bức thư viết tay ngày nay đã phần nào bị lui vào quá khứ dĩ vãng, không còn phổ biến như xưa, những trở ngại của thư tay như là phải chờ đợi lâu, tốn phí gửi và đôi khi bức thư lại không tới được địa chỉ mà mình muốn, thất lạc,.v.v. Nhưng ở đâu đó ngày nay thì việc viết thư tay, dán tem rồi đem gửi hay thậm chí là cầm lá thư từ một người thân thương nào đó đọc thì nó cho ta cái cảm giác gì đó, cái cảm giác hồi hộp và cảm xúc thực mà bạn không thể nào có được khi cầm điện thoại đọc tin nhắn hay email với cùng một nội dung như vậy. Và tôi tin chắc là thế nếu bạn đã từng.

Chính vì thế mà tôi rất yêu và quý những cảm xúc chân thực như vậy. Nên trong phòng của tôi chứa đầy những đồ xưa cũ, những thứ để ghi lại quá khứ, cổ điển và chân thực.