07 May 2020

Bút thuỷ tinh - Glass dip pen

Từ một dịp tình cờ lướt Youtube xem các nghệ nhân làm đồ thuỷ tinh (những hòn bi thuỷ tinh sắc xảo mà hồi nhỏ tôi rất thích hay những hình động vật bằng thuỷ tinh đẹp mắt nữa), tôi rất mê đồ thuỷ tinh và những món đồ long lanh, sắc màu đẹp đẽ như thế. Chính vì thế mà cơ duyên mang tôi tới bút thuỷ tinh từ đó. Lúc đầu tôi không nghĩ nó là một cây bút, nó giống như một cái đũa phép lộng lẫy hoặc món đồ trang trí cầu kì gì ấy hơn là bút viết và khi tìm hiểu thêm thì thật sự nó đã lấy lòng tôi ngay từ vẻ đẹp đến chức năng của nó. "Tinh tế", "Sắc xảo", "Cổ điển".
Nguồn gốc và xuất xứ:
-Tên thường gọi của bút thuỷ tinh theo tiếng Anh là Glass pen, Glass dip pen hay Venetian glass pen. Và cũng chính từ địa danh Venice của Ý trong tên "Venetian glass pen" đã khai sinh ra cây bút này. Và bạn cũng biết nước Ý từ lâu đã là nơi làm ra những món đồ thủ công mỹ nghệ và thuỷ tinh nổi tiếng rất có giá trị trên thế giới ngày nay. Từ những năm thế kỷ 18 thì nghề thổi thuỷ tinh rất được thịnh hành tại nơi đây, những món đồ thuỷ tinh, thủ công mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời và trong đó có những cây bút thuỷ tinh đầu tiên được sản xuất ra. Bút thuỷ tinh ra đời có ưu điểm hơn nhằm thay thế bút làm từ lông và gỗ thông dụng khi ấy. Mãi về sau này thì sự ra đời của bút bi, bút máy bơm mực và cả bút chấm mực với ngòi bằng kim loại bền, cứng cáp, tiện lợi hơn đã phần nào làm bút thuỷ tinh dễ vỡ dần bị lãng quên. Ngày nay, bút thuỷ tinh chỉ còn được sử dụng như một món đồ trang trí đúng nghĩa, hoặc được dùng để vẽ màu, phác hoạ hay viết Calligraphy. Còn tôi tôi dùng nó để viết thư tay cho nó có "thần thái".




Chức năng, cấu tạo và nguyên lý hoạt động:
Cấu tạo bút thuỷ tinh sẽ gồm có 3 phần: cáng bút (phần được trang trí tinh xảo), thân bút (chỗ đặt ngón tay để cầm bút) và đầu bút (ngòi bút). Tất cả 3 phần đều được nghệ nhân làm thuỷ tinh gắn chặt với nhau thành một thanh liền mạch và không thể nào thay thế nếu như ngòi bút bị hư, rơi gãy. Và đây cũng là khuyết điểm chính của dòng bút thuỷ tinh mong manh dễ vỡ này, nên chúng chỉ nên được đặt cố định hoặc có hộp bảo vệ nếu mang đi. Một cây bút tốt sẽ cho ta cảm giác cầm chắc tay, thoải mái, chất lượng thuỷ tinh trong suốt, ngòi bút tinh tế và trang trí tinh xảo.



Về chức năng và nguyên lý hoạt động thì bút thuỷ tinh cũng chỉ dùng để viết chữ và nó cần phải chấm vào mực để viết chứ không bơm mực như bút máy, bút bi ngày nay. Mỗi lần cần viết bạn phải chấm đầu bút vào lọ mực và lấy ra để viết, bạn không thể kiểm soát được lượng mực chảy xuống nên ban đầu nét chữ sẽ đậm và nhạt dần khi hết mực. Số lượng các rãnh, kiểu xoắn của rãnh, độ dài, rộng của rãnh phần đầu ngòi bút sẽ ảnh hưởng đến lượng mực sẽ chảy xuống đều, nhiều, ít ra sao nhờ nguyên lý sức căng bề mặt của nước (thành phần chính của mực). Phần đỉnh ngòi bút là nơi tập hợp tất cả các rãnh chứa mực tập trung lại, chỉ nhỏ chưa tới 1mm và tạo ra nét chữ thanh mảnh khi được viết. Lúc viết đầu ngòi bút nơi có một rãnh mực nào đó tiếp xúc với mặt giấy sẽ dẫn mực xuống và tạo nên nét chữ, nên khi viết bạn cần thường xuyên xem và xoay bút để tất cả các rãnh mực đều được sử dụng cho đến khi hết mực lưu lại trên rãnh và bạn phải chấm mực để viết tiếp. Một lưu ý là bạn không nên chấm mực nhiều quá sẽ tạo ra nét chữ dày và đậm. Ngoài mực viết ra bạn còn có thể sử dụng màu nước, các dạng màu pha đặt sệt khác để vẽ viết cũng rất hữu dụng.
Khi viết xong bạn chỉ cần lau hoặc rửa sạch với nước là có thể dùng tiếp màu mực khác hoặc cất đi, thuỷ tinh tuy dễ vỡ nhưng không hư hỏng do ăn mòn của hoá chất hay rỉ sét, bụi bặm.



Cách viết và cảm nhận:
Viết bằng bút thuỷ tinh khác hẳn khi cầm bút bi hay bút máy. Đầu tiên đó là cách cầm bút, bút thuỷ tinh tương đối dài, nặng, vị trí đầu ngòi bút tới chỗ đặt các ngón tay hơi xa nên sẽ có cảm giác cấn cấn, gượng rịu khi cầm viết (có một số mẫu được thiết kế lại đã khắc phục được điều này). Thứ hai đó là bạn sẽ phải chấm mực để viết và công đoạn này mới đúng là yếu tố chính tạo nên nét đặc biệt của bút thuỷ tinh. Đó là hãy!!!
Nhẹ nhàng nhúng đầu bút thuỷ tinh vào lọ mực (tránh để ngòi bút va chạm với lọ mực hầu như cũng làm bằng thuỷ tinh gây gãy ngòi hoặc mẻ ngòi bút), tránh nhúng sâu sẽ làm bút chứa nhiều mực gây đậm, nhoè, lem chữ. Gạt nhẹ đầu ngòi bút vào thành lọ để mực chảy xuống bớt nhằm khắt phục việc nhúng nhiều mực nói trên rồi lấy bút ra khỏi lọ. Không thể quên động tác xoay tròn bút trên tay cho mực tràn đều các rãnh và đặt bút lên giấy viết...kết thúc quá trình.
Tất cả các công đoạn trên chúng ta đều phải làm từ từ, chậm rãi không thể nhanh được, nên việc viết bằng bút thuỷ tinh tạo cho ta một cảm giác nâng niu, thư thái, bình tĩnh và không vội vàng.


Lưu ý nhỏ:
1. Hầu hết các đầu bút thuỷ tinh đều đã được mài nhẵn một góc tối ưu để khi viết được mượt mà, không bị giựt, mực xuống đều. Nếu như mực không xuống hoặc bị giựt bạn có thể lấy giấy nhám mịn mài nhẹ một lần là xong (việc này nếu không khuyên có thể làm hư hại hoàn toàn đầu ngòi bút).
2. Không có một quy chuẩn chung cho bút thuỷ tinh như kích thướt, độ lớn, lượng mực, nét bút dày mảnh ntn mà chỉ có thể cảm nhận và chọn lựa khi cầm trên tay viết thôi.
3. Số lượng các rãnh, kiểu rãnh (nông sâu), kiểu xoắn (xoắn tròn, xoắn nửa tròn, rảnh thẳng), đường kính rảnh, độ dài rảnh từ gốc cho đến đỉnh ngòi, đường kính ngòi to nhỏ sẽ ảnh hưởng đến lượng mực chảy xuống và nét chữ dày mảnh, đậm nhạt ra sao. Tất cả các yếu tố trên là do tay nghề người thợ, chất lượng thuỷ tinh, quy trình và thương hiệu của sản phẩm tạo nên.




No comments:

Post a Comment

Viết chia sẻ của bạn vào đây...